Thương mại điện tử có còn là ‘đất hứa’?

Chia sẻ của anh Phạm Bảo Trung – Cố vấn Giải pháp Tăng trưởng khách hàng của Metric trên báo Vietnambiz

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của các nhà bán hàng trên thương mại điện tử là cạnh tranh rất khốc liệt. Muốn đi đường dài không phải là chuyện dễ.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống sang các nền tảng thương mại điện tử. Đại dịch COVID-19 như một chất xúc tác cần thiết đã đẩy nhanh quá trình này, khi người tiêu dùng buộc phải chuyển sang mua sắm trực tuyến do các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, ngay cả khi đại dịch đã qua đi, xu hướng này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, sự tăng trưởng thần tốc của các sàn thương mại điện tử đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ. Tác động dễ thấy nhất chính là việc hàng loạt cửa hàng truyền thống đã đóng cửa do không thể cạnh tranh với nền tảng trực tuyến.

Theo thống kê trong tháng cuối năm ngoái, xu hướng tìm thuê cửa hàng tại Hà Nội giảm 12% so với tháng trước đó. Tương tự ở TP HCM, nhu cầu thuê nhà mặt phố cũng giảm tới 13%.  Những khu đất vàng ngày xưa từng được coi là “hái ra tiền” như đường Lê Văn Sỹ, Quang Trung (TP HCM), Phố Huế, Xã Đàn (Hà Nội) đều xuất hiện các thông tin sang nhượng mặt bằng từ nhà bán trước đó. 

Tại Việt Nam, theo quan sát của tôi nhiều doanh nghiệp từ bỏ hẳn môi trường kinh doanh offline, chuyển dịch sang các sàn thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, con đường dịch chuyển này cũng không hẳn thuận lợi như những kỳ vọng từ giới phân tích.

Khoảng thời gian khi Shopee, Lazada, Tiki,… mới xuất hiện, các nhà bán đầu tiên trên nền tảng dường như kiếm được tiền rất dễ dàng. Điều này xảy ra do hai nguyên do chính: Một là trên thị trường chưa xuất hiện nhiều doanh nghiệp nên sự cạnh tranh không quá gay gắt và hai là các sàn có nhiều hoạt động hỗ trợ cho nhà bán (điển hình như tung mã giảm giá, freeship,…).

Nhưng hiện nay, sàn thương mại điện tử đã không còn là “mảnh đất hứa” với tất cả doanh nghiệp. Một trong những thách thức lớn nhất chính là sự cạnh tranh khốc liệt. Với hàng triệu nhà bán lẻ cùng tham gia, việc nổi bật và thu hút khách hàng không hề dễ dàng.

Theo số liệu của Metric, số nhà bán hoạt động trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam trong năm ngoái đã giảm 1,3% so với 2022. Điều đó cho thấy rằng việc không có một chiến lược kinh doanh rõ ràng, doanh nghiệp sẽ rất dễ dàng bị “đánh bật” khỏi thị trường. Do đó, doanh nghiệp và nhà bán cần xây dựng những bước đi cụ thể. Tuy nhiên, thực tế, nhiều nhà bán đã sai ngay từ bước đi đầu tiên. 

Thông thường, nhà bán mới sẽ lập tức “đâm đầu” vào những sàn có nhiều traffic để mong tiếp cận được tệp khách hàng khổng lồ. Lúc đó, xảy ra hai trường hợp: Một là sản phẩm quá mới trên nền tảng nên sẽ cần tốn thời gian và nguồn lực để educate thị trường; hai là nền tảng đã có quá nhiều sự cạnh tranh. 

Trong cả hai trường hợp đó, việc không có một ngân sách đủ dày sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhanh chóng rời khỏi cuộc chơi. Thế nên, lựa chọn sàn nào phù hợp với chiến lược kinh doanh, tập trung thúc đẩy kênh bán hàng nào,… là những câu hỏi doanh nghiệp cần nắm chắc. 

Một khách hàng của chúng tôi kinh doanh trong ngành trang sức bạc từng bị FOMO khi nhận thấy Tiktok Shop phát triển quá mạnh. Họ cũng muốn đầu tư trên nền tảng này nhưng sau khi điều tra thị trường, họ nhận thấy sản phẩm của họ có mức giá cao hơn so với mức chi trung bình của khách hàng trên Tiktok, đồng thời thị trường này cũng còn quá mới.

Vậy nên, thay vì đổ tiền xây dựng thương hiệu và gian hàng trên Tiktok Shop, họ dùng ngân sách để đẩy mạnh kênh mà họ đang hoạt động chính Shopee. Cuối cùng, kết quả đạt được là doanh nghiệp luôn nằm trong top 10 thương hiệu có doanh thu cao nhất ngành hàng đó trên sàn.  

Sau khi lựa chọn nền tảng phù hợp, việc sử dụng các công cụ quảng cáo của các sàn thương mại điện tử, tối ưu hóa mô tả sản phẩm và hình ảnh, cũng như cung cấp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn là những yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cần lựa chọn từ khóa sao cho phù hợp với thị trường kinh doanh chính của mình: ví dụ kinh doanh sản phẩm “bát ăn cơm” nhưng nếu ở trong miền Nam, doanh nghiệp cần đặt tên sản phẩm là “chén ăn cơm” để tối ưu tìm kiếm. Hình ảnh cũng cần được theo chuẩn của nền tảng, ví dụ trên Shopee thì yêu cầu ảnh vuông, nền trắng hoặc trong suốt, đảm bảo hình ảnh sản phẩm chiếm 70% bức hình,…

Ngoài ra, việc quản lý tồn kho và xử lý đơn hàng cũng đặt ra nhiều thách thức. Mặc dù các sàn thương mại điện tử cung cấp các công cụ quản lý, nhưng việc duy trì mức tồn kho hợp lý và đảm bảo giao hàng đúng hạn vẫn đòi hỏi sự chú ý và quản lý chặt chẽ từ phía nhà bán lẻ. Đặc biệt, trong các đợt khuyến mãi lớn, việc dự đoán nhu cầu và chuẩn bị hàng tồn kho kịp thời là yếu tố quyết định sự thành công.

Để giải quyết những thách thức này, các nhà bán lẻ cần có chiến lược rõ ràng và linh hoạt. Trước tiên, họ cần sử dụng các công cụ như AI và Big Data nghiên cứu kỹ thị trường và đối thủ cạnh tranh để tìm ra các điểm mạnh, điểm yếu. Việc tối ưu hóa sản phẩm và dịch vụ dựa trên nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng sẽ giúp tạo ra sự khác biệt và thu hút khách hàng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng cũng là yếu tố quan trọng. Các nhà bán cần tận dụng các công cụ hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử như chat trực tuyến, đánh giá khách hàng, và chương trình khách hàng thân thiết để tăng cường sự gắn kết và lòng trung thành của khách hàng.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng chuyển đổi sang các sàn thương mại điện tử cũng mang lại nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ. Các sàn này không chỉ cung cấp nền tảng để tiếp cận một lượng lớn khách hàng mà còn cung cấp các công cụ hỗ trợ kinh doanh hiệu quả. Theo dự báo của Metric, doanh số và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, có thể đạt mức 310 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng 35% so với 2023.

Tuy nhiên, tùy từng chiến lược của các doanh nghiệp mà việc dịch chuyển offline lên online cần cân nhắc kỹ càng. Thực tế, thị trường bán lẻ truyền thống vẫn là nguồn mang lại nguồn doanh thu chính cho nhiều thương hiệu. Nếu dịch chuyển mà không có tính toán, thương hiệu sẽ xung đột lợi ích với chính các nhà phân phối sản phẩm. 

Tóm lại, chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống sang các sàn thương mại điện tử là một thực tế không thể tránh khỏi trong bối cảnh kinh tế số hóa hiện nay, nhưng dịch chuyển như thế nào thì cần có chiến lược cụ thể. Phát triển song song hai thị trường offline – online, cân bằng lợi ích giữa các đối tác, doanh nghiệp bán lẻ sẽ phát triển và thăng hoa trong kỷ nguyên số hóa. Các sàn thương mại điện tử không chỉ là một “mảnh đất hứa” mà còn là con đường tất yếu để tồn tại và phát triển trong tương lai.